【fakeyou】'Mua bán' bài báo khoa học: Tạo ra tiền lệ xấu
Các website rao viết thuê bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam đang làm việc ở các nước tiên tiến nhằm khẳng định đây không phải là cách làm phổ biến ở các nước như một vài nhận định.
Không nên ca ngợi, khuyến khích kiểu “mua bán” này
Đối với các ngành khoa học thực nghiệm, để tạo ra một kết quả khoa học, một trường ĐH có thể cần đầu tư rất tốn kém (phòng thí nghiệm, thiết bị, vật tư,...) thậm chí đi thuê làm thực nghiệm ở cả nơi khác. Trong khi đó, nếu dùng cách thức “hợp tác” (bằng hình thức trả tiền cho nhà khoa học, tác giả của bài báo), chỉ cần chi một khoản tiền rất ít ỏi so với số đầu tư từ đơn vị gốc và được hưởng lợi là được ghi địa chỉ dưới tên bài báo. Theo dõi các tranh luận trên mạng, nhiều người có vẻ tâm đắc với ý kiến rằng nhờ có cách làm đó đã tạo sự đột phá về số lượng bài báo nên “thế giới biết chúng ta là ai” qua việc xếp hạng! Nhưng thực chất thì những thành tựu khoa học Việt Nam mà thế giới biết đến còn rất khiêm tốn, và có một điều chắc chắn là xếp hạng không phải mục đích tối thượng của giáo dục ĐH cũng như nghiên cứu khoa học. Phần phát triển nhờ kiểu “hợp tác” (mà báo chí đang gọi là “mua bán”) là điều chẳng nên ca ngợi hay khuyến khích. Bởi nếu những việc như vậy trở thành trào lưu và không rành mạch, nó có thể sẽ tạo thành tiền lệ dẫn tới những tranh chấp không thể giải quyết (ví dụ như một nhà nghiên cứu tùy tiện điền tên một trường khác vào đăng ký sở hữu trí tuệ, và sản phẩm đó tạo ra lợi nhuận). Tiến sĩ Ngô Đức Thế (ĐH Manchester, Vương quốc Anh)
Đáng báo động, cần được điều tra nghiêm túc
Nhiều ý kiến coi việc "mua bán" affiliation (địa chỉ tác giả công trình khoa học) của bài báo như là một trong những chiêu marketing giống như giới thương nhân thường làm. Marketing là các hoạt động nhằm mục đích quảng bá sản phẩm, giúp khách hàng tiếp cận các thông tin về tính ưu việt của sản phẩm liên quan đến chất lượng, giá cả ... với mục tiêu nâng cao số lượng khách hàng và việc tiêu thụ. Thông thường, tính ưu việt của sản phẩm có thể được quảng bá cao hơn một chút so với thực tế, nhưng về cơ bản các thông tin vẫn phải đảm bảo tính trung thực. Khi các thông tin về sản phẩm không còn đảm bảo tính trung thực, tức là tính ưu việt bị đẩy lên quá cao so với thực tế, chúng ta có thể gọi đó là marketing bẩn hay thẳng thắn hơn là một hành vi lừa đảo khách hàng. Dựa trên cách nhìn này, đối với tình huống đang quan tâm, chúng ta có thể coi trường ĐH là đơn vị kinh doanh, sinh viên và xã hội là khách hàng. Như vậy trường ĐH muốn dùng xếp hạng (ranking) về năng lực nghiên cứu như một tham số để marketing cho chất lượng của trường để thu hút sinh viên theo học và các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Nếu xếp hạng phản ánh trung thực năng lực nghiên cứu của trường, đây là marketing lành mạnh. Còn nếu phản ánh không trung thực (ở mức độ nghiêm trọng) năng lực nghiên cứu của trường, rõ ràng đây là marketing bẩn . Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra xem xếp hạng mà các trường ĐH liên quan nhận được có phản ánh đúng năng lực nghiên cứu của trường hay không hay phần lớn là do “mua bán” mà có được. Tiến sĩ Nguyễn Việt Hưng (Viện Vật chất ngưng tụ và khoa học nano, ĐH Công giáo Louvain, Bỉ)
Không giúp ích được gì cho các trường đại học Việt Nam
Nếu dư luận xã hội tung hô cách thức tạo thành tích nghiên cứu khoa học ảo, bao gồm việc đăng bài trên các tạp chí chất lượng thấp hoặc tạp chí “dỏm”, “mua” bài kiểu tác giả không làm mà có, hoặc “mua” bài của những người không thực sự làm nghiên cứu ở trường mình và không có đóng góp bồi dưỡng nội lực nghiên cứu của trường, từ đó cho rằng các trường ĐH cần học tập mô hình đó, thì mai kia chúng ta sẽ một lần nữa tung hô những cái ảo ảnh. Riết rồi mọi người sẽ thấy quen với thành tích ảo, môi trường khoa học sẽ không còn chỗ cho những người làm khoa học đàng hoàng. Trong khi đó, việc chạy theo thành tích ảo đơn thuần mà không xây dựng nội lực thì về lâu dài không giúp ích được gì cho các trường ĐH Việt Nam. Ngay cả tạo thành tích ảo và dùng nó tạo đà xây dựng nội lực, thì vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Hiện nay, một số trường ở Anh có mối nghi ngờ với một số ĐH ở các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và cảnh báo giảng viên cẩn thận trong việc hợp tác với một số trường ở đây, vì họ có dấu hiệu đăng các tạp chí không tốt, hoặc khuất tất trong việc đăng bài. Nếu Việt Nam không cẩn thận chạy theo trào lưu ảo này mà rơi vào cái bẫy đó thì lại "mang tiếng" và do đó sẽ bị các trường ĐH danh tiếng thế giới đưa vào danh sách đen (blacklist). Vì thế mà được lại không bằng mất. Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn ( ĐH Bristol, Vương quốc Anh)